Articles Discovery on the cycling road Lifestyle Mr Old Man GHÉ THĂM QUÁN MÍT HÔNG BÀ NAM – KÝ ỨC VỀ MỘT MÓN QUÊ By Mr Old Man Posted on 5 days ago 12 min read 0 0 64 Share on Facebook Share on Twitter Share on Google+ Share on Reddit Share on Pinterest Share on Linkedin Share on Tumblr Bốn năm trước, trong chuyến đạp xe đến Tam Kỳ để thưởng thức món mít hông trứ danh, tôi có dịp ghé quán của bà Nam. Khi ấy, tôi ngồi trò chuyện cùng bà và các cô con gái về món ăn vặt dân dã của xứ Quảng. Câu chuyện thú vị đến mức, về nhà, tôi còn viết một bài đăng trên Facebook và website, thu hút hơn 5.000 lượt xem. Nhớ lại hôm đó, trước khi đi, tôi cẩn thận tìm kiếm trên mạng xem quán mít hông nào ở Tam Kỳ là ngon nhất. Cái tên “Mít hông bà Bắc” được nhiều người nhắc đến, nhưng khi đến nơi, mở Google Maps ra lại chẳng thấy đâu. Sau một hồi dò hỏi người dân địa phương, cuối cùng tôi cũng tìm đến một quán mít hông trên đường Hoàng Diệu. Chỉ có điều, đó là quán bà Nam, chứ không phải bà Bắc như trong lời đồn. Nhận ra sự ngạc nhiên của tôi, bà Nam – khi ấy đã 84 tuổi – vừa tẩn mẩn gỡ từng xơ mít, vừa cười hóm hỉnh giải thích: “Thật ra, tên trên giấy tờ của bà là Nguyễn Thị Nhạn, quê gốc Quảng Ninh. Sau giải phóng, bà theo chồng là ông Nam vào Tam Kỳ sinh sống. Cả xóm chỉ có mỗi bà là người Bắc, nên họ quen gọi bà là ‘bà Bắc’. Còn cái tên ‘bà Nam’ lại là gọi theo tên chồng.” Quay lại sau bốn năm, quán vắng đi một bóng người Lần trở lại này, người duy nhất tôi nhận ra là chị Duyên – con gái út của bà Nam. Chị đang ngồi cùng ba người phụ nữ khác, vẫn miệt mài gỡ xơ mít như bốn năm trước. Tôi buột miệng hỏi: “Bà đâu rồi chị?” Chị Duyên chậm rãi đáp: “Bà mất hai năm trước rồi anh. Mẹ em ra đi nhẹ nhàng, không đau ốm gì cả.” Một nỗi buồn chợt đến trong tôi. Tôi vẫn nhớ giọng Bắc đặc sệt của bà, chẳng lẫn vào đâu giữa những giọng Quảng Nam của các con gái bà. Tôi mở lại đoạn video cũ, hình ảnh bà hiện lên, vẫn nụ cười hiền hậu ấy. Ai nấy đều vui khi được nhìn lại bà, nghe lại giọng nói thân thương ngày nào. “Đừng chụp bà nữa, xấu lắm!” – Giọng bà vang lên trong video. “Bà đẹp lắm mà! Đâu có ai lớn tuổi mà còn đẹp như bà đâu!” Tôi chìa ra tấm ảnh cũ – cánh tay trắng nõn đeo lắc vàng và nhẫn kim cương đặt trên rổ mít hông vàng ươm – rồi hỏi: “Chị có tay đẹp này hôm nay nghỉ à?” Chị Duyên bật cười: “À, đó là chị Dung. Chị được con gái bảo lãnh qua Mỹ rồi!” “Ngày xưa chị Dung hay nói sáng làm mít hông, chiều ra chợ bán vàng, có đúng vậy không?” “Chị ấy mê cái đẹp lắm. Lúc nào ra đường cũng trang điểm, mặc đồ đẹp. Không đẹp là không chịu đâu!” Chẳng trách hồi trước, mỗi lần tôi chụp ảnh, chị cứ đòi kiểm tra từng tấm, bảo xóa cái này, giữ cái kia – chỉ được đăng ảnh đẹp thôi! Mít hông – món ăn của ký ức Quán vẫn vậy, vắng khách hơn trước, nhưng hương vị mít hông chẳng hề thay đổi. Tôi gợi ý thử biến tấu với các loại nhân khác xem sao, nhưng chị Duyên lắc đầu: “Em thử rồi, nhưng khách chê, không đúng vị ngày xưa.” Chị cười, rồi nói thêm: “Món này không hẳn là để ăn ngon, ăn no, mà là để nhớ về những ngày khó khăn thời bao cấp. Vừa rồi em còn ship mít hông vô Sài Gòn theo đặt hàng của Hội đồng hương Tam Kỳ. Chắc họ nhớ lại thời học trò, rủ nhau đến quán nhà em ăn mít hông, giờ ăn lại để gợi kỷ niệm xưa. Ý nghĩa lắm anh hì!” Nói chuyện một hồi, tôi mua hai hộp mít hông mang về. Trước khi rời đi, con gái chị Duyên chạy ra, hào hứng nhắc tôi: “Chú nhớ gửi link video và bài viết về quán bà Nam cho con nha! Cả bài mới của chú nữa, nhớ gửi qua Zalo cho con với!” Có lẽ, dù thời gian trôi qua, quán mít hông bà Nam vẫn luôn là một phần ký ức của nhiều người – một nơi gói ghém hương vị quê nhà và những kỷ niệm không thể phai mờ. — Mr. Old Man. 3/2025