Home Uncategorized DISCUSSION ON FAKE GUARANTEES

DISCUSSION ON FAKE GUARANTEES

40 min read
2
0
2,006

Tình trạng thư bảo lãnh ngân hàng giả mạo

Nguyễn Hữu Đức

Các bản tin phòng ngừa rủi ro của các ngân hàng Việt Nam gần đây liên tục trích đăng các bản tin cảnh báo của Văn phòng chống tội phạm thương mại quốc tế (International Commercial Crime Bureau – ICC ) về tình trạng bọn tội phạm sử dụng thư bảo lãnh ngân hàng giả mạo để lừa đảo những nhà đầu tư mất cảnh giác khi tin rằng có thể nhanh chóng kiếm được những khoản lợi nhuận lớn bằng cách mua đi bán lại những công cụ tài chính này. Đáng lưu ý là các bản tin phòng ngừa rủi ro cũng đã thông báo một số thư bảo lãnh ngân hàng giả mạo được phát hiện ở Việt Nam, trong đó có những thư bảo lãnh mạo danh các ngân hàng Việt Nam phát hành. Điều này cho thấy rằng bọn tội phạm quốc tế đã bắt đầu chú ý đến Việt Nam, một thị trường “rất tiềm năng” cho những hoạt động lừa đảo của chúng.
Lừa đảo bằng thư bảo lãnh ngân hàng giả mạo là một thủ đoạn còn khá mới đối với các ngân hàng cũng như các doanh nghiệp Việt Nam. Những người chưa được cảnh báo rất dễ bị mất cảnh giác và sập bẫy của bọn lừa đảo. Để giúp bạn đọc quan tâm có thêm thông tin và tư liệu nhằm cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo mới này, người viết xin được chia sẻ với bạn đọc cách nhận biết thư bảo lãnh ngân hàng giả mạo và cách xử lý những giao dịch đáng ngờ liên quan đến thư bảo lãnh.

LÀM THẾ NÀO ĐÊ NHẬN BIẾT THƯ BẢO LÃNH NGÂN HÀNG GIẢ MẠO ?

Để tăng thêm độ chân thực và tính pháp lý của thư bảo lãnh ngân hàng giả mạo, thủ thuật của bọn tội phạm là tìm cách chuyển thư bảo lãnh qua hệ thống ngân hàng.bằng cách gọi điện thoại hoặc fax thư tra soát đến ngân hàng, xưng danh là một công ty X hoặc Y nào đó đang chờ một thư bảo lãnh của ngân hàng Z nào đó. Một bản sao thư bảo lãnh thường được phát hành dưới dạng điện SWIFT MT760 hoặc MT799 cũng được chúng gửi kèm theo qua fax hoặc email. Chúng cũng không quên thúc dục ngân hàng kiểm tra và xác nhận ngay bằng fax hoặc email cho chúng. Sau khi nhận được xác nhận bằng fax hoặc email của ngân hàng, chúng có thể dễ dàng thay đổi nội dung hoặc sử dụng tên của các cán bộ ngân hàng để làm tăng độ chân thực và tính pháp lý của thư bảo lãnh hoặc sử dụng cho các giao dịch lừa đảo khác. Thư bảo lãnh ngân hàng giả mạo thường có những đặc điểm rất dễ nhận biết như sau:

(i) Về giá trị bảo lãnh, hầu hết những thư bảo lãnh giả mạo có giá trị rất lớn, từ hàng chục triệu đến hàng trăm triệu USD hoặc tương đương. Năm 2003 bọn lừa đảo đã mạo danh Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (NHNT VN) phát hành một thư tín dụng dự phòng (một dạng thư bảo lãnh ngân hàng) giả với số tiền bảo lãnh lên đến 14 triệu USD cho người hưởng lợi là một công ty nước ngoài có tên là Personnel Surgery Ltd. Rất may là là chưa có nhà đầu tư nào trở thành nạn nhân của thư bảo lãnh này. Mới đây Văn phòng Điều tra Tài chính (Financial Investigation Bureau – FIB) thông báo một thư bảo lãnh ngân hàng đáng ngờ có giá trị lên đến 500 triệu euro do Korea Joint Bank phát hành. Người hưởng lợi thư bảo lãnh này là Dunmore Trust Ltd đã gạ bán cho Phonenix Investments Foundations, LLC công cụ này với giá chiết khấu rất hời. Rất may Phonenix đã cảnh giác và thông báo cho FIB.

Cũng không nên bỏ qua những thư bảo lãnh có giả trị nhỏ chỉ vài trăm triệu ĐVN bởi hiện nay bọn tội phạm “cò con” ở Việt Nam đang tập tểnh sử dụng chiêu bài thư bảo lãnh ngân hàng giả mạo với giá trị nhỏ để dễ đánh lừa khách hàng trong nước. Chi nhánh NHNT VN tại thành phố Hồ Chí Minh vừa qua cũng đã thông báo một thư bảo lãnh thanh toán mà bọn lừa đảo đã mạo danh ngân hàng này phát hành với số tiền chỉ có 300 triệu đồng.

(ii) Về điều kiện thanh toán, ngân hàng phát hành cam kết không huỷ ngang và thanh toán vô điều kiện ngay khi nhận được yêu cầu đòi tiền đầu tiên theo lệnh của người hưởng lợi hoặc người nắm giữ bảo lãnh hợp pháp.

(iii) Về số tiền thanh toán, thư bảo lãnh giả mạo thường nêu rằng việc thanh toán sẽ được thực hiện đầy đủ, không thanh toán bù trừ, không khấu trừ phí các loại hoặc không giữ lại các khoản tiền thuế theo yêu cầu của bất kỳ chính phủ hoặc cơ quan chức năng nào của chính phủ…

(iv) Về thời hạn hiệu lực, thư bảo lãnh giả mạo thường nêu ngày đáo hạn (date of maturity) thay vì lẽ ra phải nêu ngày chấm dứt hiệu lực xuất trình yêu cầu thanh toán (expiry date).

(v) Về luật điều chỉnh, một số thư bảo lãnh đôi khi nêu là được điều chỉnh theo luật pháp Mỹ và Anh hoặc các nước khác nhưng.trong đa số các trường hợp, thư bảo lãnh thường nêu rằng được điều chỉnh bởi một quy tắc thực hành thống nhất về bảo đảm chứng từ (phiên bản 1993) Phòng Thương mại quốc tế ICC 500 (Uniform Customs and Practice for Documentary Securities (1993 version) International Chamber of Commerce Publication ICC No. 500). Phòng Thương mại quốc tế đã ấn hành các quy tắc điều chính liên quan đến giao dịch bảo lãnh như Uniform Rules for Demand Guarantees (URDG) điều chỉnh thư bảo lãnh trả ngay và International Standby Practices (ISP98) điều chỉnh giao dịch thư tín dụng dự phòng chứ chưa bao giờ có quy tắc lạ đời như trên. Dường như bọn lừa đảo cố ý lập lờ để người đọc có thể lẫn lộn với Quy tắc thực hành thống nhất về tín dụng chứng từ (UCP 500) – quy tắc điều chỉnh các giao dịch L/C chứ không liên quan đến thư bảo lãnh.

(vi) Về điều kiện chuyển nhượng, thư bảo lãnh thường được nêu là một công cụ có giá trị hiệu lực, người hưởng lợi có thể chuyển nhượng.

(vii) Thư bảo lãnh ngân hàng giả mạo thường nêu tên và địa chỉ ngân hàng na ná giống tên và địa chỉ của một ngân hàng có thật. Rất dễ bị nhầm nếu không kiểm tra cẩn thận.

(viii) Thư bảo lãnh giả mạo thường nêu rõ tên và chức danh của hai cán bộ ngân hàng ở phần cuối bức điện MT760 hoặc MT799 . Thực tế những bảo lãnh được phát hành bằng SWIFT MT760 hoặc MT799 không ghi tên cán bộ ngân hàng.

Năm 2003 một cán bộ Ngân hàng Công thương Việt Nam đến NHNT VN để kiểm tra thông tin về một thư tín dụng dự phòng do NHNT VN phát hành cho người hưởng là một công ty ở Canada. Thư tín dụng này có đóng dấu ngân hàng và chữ ký của phó tổng giám đốc và cán bộ phòng bảo lãnh NHNT VN. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, ngân hàng này xác nhận rằng dấu và các chữ ký trên thư tín dụng dự phòng trên là hoàn toàn giả mạo. Người viết bài này có trong t
ay bản sao thư tín dụng dự phòng nêu trên và thấy rằng ngoài dấu và các chữ ký đều giả mạo, nội dung của thư tín dụng dự phòng này chứa đựng nhiều chi tiết giống như những đặc điểm thường thấy ở những thư bảo lãnh ngân hàng giả mạo: giá trị bảo lãnh lên đến 14 triệu USD, ngày đáo hạn (date of maturity) được nêu thay vì ngày chấm dứt hiệu lực xuất trình chứng từ, không tìm thấy địa chỉ của người hưởng lợi ngoại trừ số tài khoản mở tại một ngân hàng “ma” là Canadian Imperial Bank of Canada, na ná giống tên của một ngân hàng có thật ở Canada – Canadian Imperial Bank of Commerce, luật điều chỉnh là một quy tắc cũng chưa hề tồn tại, xin được ghi nguyên văn kể cả lỗi chính tả: “This credit is subject to the uniform letter of costoms and practices documentary credits 1993 revision,ICC Publication 500”… Một chi tiết thú vị là thư tín dụng dự phòng này được lập bằng song ngữ, trình bày theo kiểu xen kẻ một dòng tiếng Anh một dòng tiếng Việt với cách dịch xa lạ với những người có chuyên môn thanh toán quốc tế, chẳng hạn như câu trên được dịch như sau: “Thư tín dụng này phụ thuộc vào thư đồng dạng về các thủ tục tín dụng tài liệu năm 1993, bản sửa, phát hành ICC 500”.

Có một điều khó hiểu là tại sao bọn lừa đảo vẫn cứ tiếp tục sử dụng những thư bảo lãnh ngân hàng giả mạo với những đặc điểm dễ dàng nhận biết và nhiều sai sót thơ ngây như thế. Thật khó tin rằng bọn lừa đảo không đủ khả năng tạo ra những thư bảo lãnh ngân hàng siêu giả. Phải chăng vẫn còn có nhiều nhà đầu tư quá hám lợi mà quên cảnh giác ? Điều này có thể đúng bởi với những điều kiện hấp dẫn như cam kết không huỷ ngang thanh toán vô điều kiện, có thể chuyển nhượng, người hưởng lợi nhận đủ trị giá bảo lãnh mà không bị khấu trừ phí hoặc thuế … cùng với điều kiện về giá cả chuyển nhượng hứa hẹn đem lại khoản lợi nhuận lớn và nhanh chóng, những thư bảo lãnh ngân hàng giả mạo như trên hoàn toàn có thể khiến không ít những nhà đầu tư mắc lừa.

XỬ LÝ NHỮNG GIAO DỊCH ĐÁNG NGỜ LIÊN QUAN ĐẾN THƯ BẢO LÃNH NGÂN HÀNG

Theo kinh nghiệm của các chuyên gia ngân hàng, khi gặp những giao dịch đáng ngờ liên quan đến thư bảo lãnh, ngân hàng nên xử lý như sau:

* Liên hệ ngay với ngân hàng phát hành, thông báo đầy đủ các chi tiết thư bảo lãnh như số tham chiếu, tên người yêu cầu bảo lãnh, số tiền bảo lãnh, người hưởng lợi … và yêu cầu xác nhận về việc phát hành thư bảo lãnh.
* Hạn chế trả lời người tra soát thư bảo lãnh bằng email hoặc bằng văn bản bởi vì nếu đúng là bọn lừa đảo, hắn ta có thể thay đổi thư trả lời của ngân hàng và sử dụng hoặc sử dụng tên của cán bộ ngân hàng để làm tăng độ chân thực và tính pháp lý của thư bảo lãnh giả mạo hoặc sử dụng cho các giao dịch lừa đảo khác.
* Hạn chế dính líu vào những giao dịch này bằng cách không thông báo thư bảo lãnh ngân hàng cho người hưởng lợi và cũng không trả lời những tra soát tiếp theo của người tra soát thư bảo lãnh.
* Thông báo cho bộ phận thông tin tín dụng và phòng ngừa rủi ro của ngân hàng, nơi có nhiều dữ liệu cảnh báo về bọn lừa đảo để xác minh tính chân thật của giao dịch.
* Nếu người tra soát thư bảo lãnh tiếp tục liên hệ, hãy cảnh cáo hắn rằng ngân hàng đã thông báo cho công an về giao dịch có dấu hiệu đáng ngờ của hắn.

Để bạn đọc quan tâm có thêm tư liệu, người viết xin được trích dẫn dưới đây một số kinh nghiệm được đúc kết bởi Helena Kwok, chuyên gia tư vấn rủi ro của Canadian Imperial Bank of Commerce, trong việc xử lý những giao dịch đáng ngờ liên quan đến thư bảo lãnh ngân hàng :

NHỮNG ĐIỀU CẦN LÀM:

• Luôn cảnh giác và hiểu biết đầy đủ những thủ đoạn lừa đảo liên quan đến thư bảo lãnh.
• Luôn đặt dấu hỏi đối với mọi giao dịch liên quan có dấu hiệu đáng ngờ.
• Biết rõ khách hàng và tập quán kinh doanh của họ.
• Đặt dấu hỏi đối với những thay đổi trong cách thức kinh doanh của khách hàng.
• Xác minh tính pháp lý và tính xác thực của tất cả các chỉ thị nhận được qua điện thoại/email/ SWIFT/telex/fax trước khi hoàn tất giao dịch.
• Thông báo cho cán bộ cấp cao hơn những giao dịch hoặc thư bảo lãnh có có dấu hiệu đáng ngờ là giả mạo.

NHỮNG ĐIỀU KHÔNG LÀM:

• Không cung cấp thông tin qua điện thoại/email/ SWIFT/telex/fax trừ phi biết rõ và tin người đang tra soát là ai.
• Không bàn thảo quy trình nghiệp vụ nội bộ với những người ngoài ngành.
• Không trả thư cho những đối tượng đáng ngờ trên giấy có tiêu đề của ngân hàng.
• Không tuỳ tiện đưa danh thiếp.
• Không cho phép người khác ép buộc phải cung cấp thông tin.

Hi vọng rằng bài viết này cùng với các bản tin phòng ngừa rủi ro của các ngân hàng có thể góp thêm tiếng chuông cảnh báo cũng như ngăn ngừa tình trạng thư bảo lãnh ngân hàng giả mạo đang xâm nhập vào thị trường Việt Nam./.

NHĐ
P/S: Bài viết này đã được đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ …

Load More Related Articles
Load More By Mr Old Man
Load More In Uncategorized

2 Comments

  1. Emily le

    October 21, 2015 at 1:53 pm

    Dear Mr Old man,

    Liên quan đến bảo lãnh – MT 760,

    Ngân hàng em có nhận MT 760 được gửi qua Swift. Tuy nhiên F23 của bản điện này lại thể hiện là ADVISE thay vì là ISSUE hoặc REQUEST theo quy định của tài liệu Swift.

    Qua xem xét nội dung của bản điện:
    – Ngân hàng gửi điện: NH A – Ấn Độ (không phải là bên phát hành bảo lãnh),
    – NH A này chuyển tiếp nội dung bảo lãnh được phát hành bới NH A – chi nhánh 1 (cả NH A và chi nhánh này đều có RMA với NH em).
    – Với trách nhiệm là ngân hàng chuyển hộ điện, NH A trích dẫn nội dung của bảo lãnh. Nội dung bảo lãnh này thì đầy đủ và phù hợp với thương vụ của khách hàng – bên nhận bảo lãnh.

    Trước giờ em chỉ nhận các bảo lãnh (MT760) từ NH phát hành gửi trực tiếp (qua Swift hoặc thư) đến NH em để thông báo cho Khách hàng chứ chưa bao giờ nhận bảo lãnh được thông báo qua NH thông báo thứ nhất như trường hợp trên. Mặt khác, định dạng điện không theo chuẩn Swift nên em rất e ngại, không biết bản điện này có giá trị như bảo lãnh hay không?

    Kính nhờ Mr Old man chỉ em cách xử lý.

    Em xin cảm ơn.

    Reply

    • mroldman

      October 21, 2015 at 5:35 pm

      Anh thấy không sao cả. Bây giờ các ngân hàng nước ngoài có thể cũng TF tập trung nên có thể CN đó không chuyển trực tiếp mà phải qua Head Office của mình. Miễn là bức điện đó được xác thực thì không có vấn đề gì.

      Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Check Also

QUESTION REGARDING THE TRANSFERRING BANK’S LIABILTY UNDER THE TRANSFERRED LC

QUESTION Dear Mr. Old Man, Em có 2 câu hỏi về LC chuyển nhượng như sau: Khi người thụ hưởn…