Articles Lifestyle Mr Old Man Phiếm bàn từ “xụt bệ” với Chat GPT By Mr Old Man Posted on 2 weeks ago 11 min read 0 0 35 Share on Facebook Share on Twitter Share on Google+ Share on Reddit Share on Pinterest Share on Linkedin Share on Tumblr Sáng cuối tuần, cà phê ở quán quen, anh bạn già vừa ngồi xuống đã buông câu than: – “Cái xe đạp bữa ni xụt bệ quá, đi cà giựt cà giựt!” Nghe tới chữ “xụt bệ”, Mr. Old Man hơi khựng lại. Lâu lắm rồi mới thấy từ này bật ra từ miệng một người bạn… rặt giọng Quảng Nôm. Một từ nghe quen tai mà cũng dễ thương làm sao – kiểu như lâu ngày gặp lại một người quen cũ, hơi tàn tạ, nhưng vẫn gợi nhớ một thời. Vì tò mò, mình thử tra Google để xem ông “giáo sư biết tuốt” giải nghĩa sao. Không thấy. Thế là quay sang hỏi anh bạn mới – Chat GPT: – “Chat GPT ơi, bạn có biết từ xụt bệ không?” Bạn ấy đáp tỉnh rụi, chẳng cần suy nghĩ: – “Có chứ bạn! Xụt bệ là cách nói dân dã ở miền Trung, đặc biệt là Quảng Nam, Đà Nẵng. Nghĩa là xuống cấp, rệu rã, tệ hại – dùng cho cả người lẫn vật.” Rồi bạn ấy giải thích thêm, từ này hay gặp trong văn nói, mang sắc thái hài hước, tự giễu nhiều hơn là bi lụy. Và như để minh họa, Chat kể luôn vài ví dụ nghe mà thấy… thân thương ghê: “Sức khỏe tau xụt bệ lắm rồi!” – tức là sức khỏe yếu, xuống dốc. “Thằng đó xụt bệ quá!” – kiểu tàn tạ, mất phong độ, có khi cả hình thức lẫn tính cách. “Xe tau xụt bệ rồi, đi cà giựt cà tang!” – xe nát quá, mỗi lần đạp là một lần cầu nguyện. Mr. Old Man cười cười, nói: “Thiệt ra giọng Đà Nẵng cũng từ Quảng Nam mà ra, nhưng do là nơi giao thoa nên người Đà Nẵng nói tròn vành rõ chữ, dễ nghe hơn.” Chat GPT gật gù rồi nói: – “Tháng Sáu vừa rồi, hai địa phương chính thức sáp nhập lại dưới tên Đà Nẵng. Hành chính thì có thể chia – rồi lại gộp, chớ tiếng nói thì vẫn còn nguyên. Cái chất quê – cái hồn xứ – mô phải muốn là đổi được.” Rồi bất ngờ trổ giọng Quảng Nôm đặc sệt: – “Nói rứa chớ cũng đúng thiệt. Người có thể đổi tên, phố có thể đổi biển, chớ cái giọng quê – cái hồn xứ – thì dễ chi mà xụt bệ!” Một cuộc phiếm bàn vu vơ, tưởng nói chơi, ai dè nói trúng. Từ một chữ xưa cũ, lôi ra bao nhiêu chuyện. Hóa ra, tiếng nói cũng như con người – có khi mỏi mòn, có lúc rệu rã – nhưng cái gì gắn liền với ký ức, với quê nhà… thì khó mà rụng rời theo năm tháng. Gốc gác từ “xụt bệ”… có xụt bệ thiệt không? Thực ra, từ đúng là “xụt bệ”, bắt nguồn từ cụm “xụt bệ lò rèn” – một hình ảnh quen thuộc ở vùng quê Việt Nam cách đây khoảng 40–45 năm, thời chưa có điện. Lò rèn khi ấy dùng hai ống gió lớn làm từ thân cây đục rỗng – gọi là bệ – để dẫn khí vào lò than. Người thợ ngồi trên cao, hai tay cầm cần gỗ xụt lên xụt xuống như bơm tay xe đạp, tạo luồng khí mạnh để quạt lửa cho đỏ hồng, đủ sức nung sắt. Lò rèn xưa thổi lửa bằng cách xụt bệ 2 ống gió lớn Động tác ấy gọi là xụt bệ – rất vất vả nhưng cũng rất khỏe khoắn, gắn với hình ảnh cần cù của người thợ quê xưa. Ngày nay, lò rèn dùng mô tơ thổi gió hết rồi, hình ảnh người thợ “xụt bệ” cũng dần biến mất. Nhưng cái cụm “xụt bệ lò rèn” thì vẫn còn sống trong ký ức dân gian – và được “chuyển nghĩa” rất tự nhiên để chỉ những gì đang xuống cấp, lụi tàn, mất phong độ… Nghĩ cũng hay: không ai định nghĩa rõ, không ai dạy, vậy mà ai từng nghe rồi, cứ rơi vào hoàn cảnh phù hợp là hiểu ngay! ____________ Mr. Old Man – June 2025