Home Uncategorized UCP 600 WHAT'S NEW?

UCP 600 WHAT'S NEW?

52 min read
0
0
2,931

UCP 600 có gì mới ?

Nguyễn Hữu Đức

Trong thời gian qua không ít những bài viết của người viết liên quan đến nghiệp vụ L/C, UCP 500 … đã được các đồng nghiệp và bạn đọc quan tâm và tham gia tranh luận trên các tạp chí của Ngành, trong đó một số vấn đề đã được xới lên nhưng kết luận cuối cùng vẫn còn để ngỏ. Mới đây người viết bài này may mắn được tham dự một số hội thảo thanh toán quốc tế và rất phấn khích khi được sở hữu bản Dự thảo UCP 600 đầy đủ do Uỷ ban Ngân hàng ICC (UBNH ICC) công bố ngày 6/3/2006. Bản thảo cuối cùng UCP 600 dự kiến sẽ được UBNH ICC thông qua trong tháng 10/2006 và nếu không có gì thay đổi, UCP 600 sẽ được ấn hành trong tháng 1/2007 và sẽ chính thức có hiệu lực áp dụng từ ngày 1/7/2007.

Nhân cơ hội này, người viết xin được xới lại một số vấn đề vẫn còn để ngỏ dưới giác độ của Dự thảo UCP 600 ( từ đây được gọi tắt là UCP 600).

Định nghĩa mới cho thuật ngữ “negotiation” (New Definition of “Negotiation”)

Trong bài viết “Bàn về thuật ngữ “negotiation” trong giao dịch thư tín dụng” đăng Thông tin Vietcombank số 3/2006, người viết thật sự chưa dám chắc rằng thuật ngữ này sẽ bị loại bỏ khỏi UCP 500 hay sẽ được giữ lại nhưng bây giờ câu trả lời đã chắc chắn rằng thuật ngữ này vẫn được giữ lại nhưng với một định nghĩa rõ ràng hơn. Sở dĩ, điều này được khẳng định chắc chắn vì thuật ngữ “negotiation” nằm ở Điều 2 UCP 600 (Các định nghĩa) là một trong 27 Điều được UBNH ICC đã nhất trí “miễn bàn thêm.”

Thuật ngữ “negotiation” được định nghĩa tại Điều 2 UCP 600 như sau: “Negotiation means the purchase by the nominated bank of drafts (drawn on a bank other than the nominated bank) and/or documents, by either advancing or agreeing to advance funds to the beneficiary”. (Tạm dịch: Chiết khấu nghĩa là việc ngân hàng được chỉ định (NHĐCĐ) mua các hối phiếu (ký phát đòi tiền một ngân hàng khác với NHĐCĐ) và/hoặc các chứng từ bằng cách trả tiền trước hoặc đồng ý trả tiền trước cho người hưởng lợi).

Như vậy, so với định nghĩa tại Điều 10 (b)(ii) UCP 500 (Negotiation means the giving of the value for draft(s) and/or documents by the authorised bank to negotiate), định nghĩa mới tại Điều 2 UCP 600 đã khiến thuật ngữ “negotiation” minh bạch và dễ hiểu hơn rất nhiều. Cụm từ “the giving of the value” nổi tiếng vì sự khó hiểu của nó tại Điều 10(b)(ii) UCP 500 nay được thay thế bằng từ “purchase” (mua) rất đơn giản – đó là việc NHĐCĐ mua các hối phiếu và/hoặc các chứng từ bằng cách trả tiền trước hoặc đồng ý trả tiền trước cho người hưởng lợi. Với định nghĩa mới này, ngân hàng có thể chọn lựa các hình thức chiết khấu khác nhau.

Trả lời phỏng vấn của DCInsight (Volume 12 No. 2 Arpril-June 2006), Carlo di Nini, Đồng Chủ tịch Nhóm Tư vấn UCP nói: “Tôi rất hài lòng với định nghĩa này bởi nó cho phép người ta tự do quyết định hình thức trả trước– ví dụ, trả trước ngay lập tức hoặc trả trước vào một thời điểm trong tương lai, hoặc trả trước có truy đòi hoặc miễn truy đòi.”

Hi vọng rằng khi UCP 600 chính thức có hiệu lực, cộng đồng các ngân hàng ở những khu vực khác nhau trên thế giới, dù ở phương Đông hay ở phương Tây, sẽ thống nhất trong cách hiểu và sử dụng thuật ngữ “negotiation”.

Về vấn đề tổ chức phi ngân hàng phát hành L/C ( When a Non-Bank Issues L/C)

Trong bài viết “Khi L/C được phát hành bởi một tổ chức phi ngân hàng” đăng trên Thông tin Vietcombank số 4/2006, người viết cũng cung cấp cho bạn đọc quan tâm một số thông tin liên quan đến việc tổ chức phi ngân hàng (TCPNH) phát hành L/C. Theo đó, UBNH ICC đã thừa nhận rằng các TCPNH có thể phát hành L/C theo UCP 500; Hiệp hội SWIFT cũng đã cho phép và hướng dẫn các ngân hàng sử dụng điện MT 710 và MT 720 để chuyển tiếp các L/C được phát hành bởi các TCPNH. Tuy nhiên, lúc đó chúng ta vẫn chưa hình dung vấn đề này sẽ được xác lập trong UCP 600 như thế nào.

Trong quá trình góp ý Dự thảo UCP 600, các uỷ ban quốc gia (UBQG) đều bày tỏ sự đồng thuận rằng TCPNH có thể phát hành L/C theo UCP. Người ta cũng bàn đến vấn đề nên thay từ “bank” bằng từ “party” trong UCP để ám chỉ rằng tổ chức phát hành L/C có thể là ngân hàng hoặc phi ngân hàng. UBNH ICC đã trưng cầu ý kiến của 27 UBQG về vấn đề này nhưng cuối cùng tại phiên họp UBNH ICC tháng 10/2005 (Paris) các UBQG đã nhất trí ủng hộ quan điểm giữ lại từ “bank” nhưng được giải thích với ý nghĩa rộng hơn, bao gồm các tổ chức về mặt truyền thống được biết đến như là một ngân hàng hoặc là một định chế tài chính khác. Điều 3 UCP 600 (Giải thích từ ngữ) đã giải thích từ “bank” như sau: “Từ “ngân hàng” bao gồm, nhưng không hạn chế, các tổ chức về mặt truyền thống được biết đến như là một ngân hàng hoặc định chế tài chính” (The term “bank” includes, but is not limited to, entities traditionally known as a bank or other financial institution).
Như vậy, với sự giải thích từ “bank” tại Điều 3 UCP 600, xem như UCP chính thức thừa nhận các TCPNH là các định chế tài chính có thể phát hành L/C dẫn chiếu UCP.

Vấn đề xử lý các chứng từ bất hợp lệ (Discrepant Documents, Waiver and Notice)

Về vấn đề xử lý các chứng từ bất hợp lệ, trước đây người viết cũng đã có hai bài viết đăng trên Tạp chí Ngân hàng (số 10/2003) và trên Thông tin Vietcombank (số 11/2003 và số 9/2004), trong đó dẫn chứng một số trường hợp xử lý chứng từ bất hợp lệ trái với Điều 14 (d) UCP 500 của một số NHPH. Những ngân hàng này thường cố tình áp đặt điều kiện định đoạt chứng từ trong thông báo từ chối hoặc trong L/C, theo đó tự cho phép mình có quyền chuyển giao bộ chứng từ bất hợp lệ đã bị từ chối “có điều kiện” cho người mở L/C trong trường hợp người mở L/C chấp nhận mà không cần phải thông báo tiếp cho người xuất trình. Cách xử lý chứng từ bất hợp lệ này đã vấp phải sự phản đối của cộng đồng các ngân hàng khác nhau trên thế giới, không nhận được sự đồng tình của các chuyên gia quốc tế ICC cũng như không nhận được sự hậu thuẫn của các toà án khi xảy ra tranh chấp. Bài viết cũng dẫn chứng trường hợp tranh chấp giữa CIC và CMB về việc CMB (NHPH) từ chối chứng từ nhưng không chuyển trả chứng từ cho CIC (ngân hàng xuất trình). Quan tòa Steel (nước Anh) đã ra phán quyết như sau: “ Thông báo từ chối có nội dung “ … nếu các bất hợp lệ được người mở L/C chấp nhận, chúng tôi sẽ giao chứng từ cho họ mà
không phải thông báo tiếp cho người xuất trình…” là không phù hợp với Điều 14 (d) (ii) UCP 500 bởi các chứng từ đã không được gửi trả lại CIC và cũng không được giữ lại theo lệnh của ngân hàng này. Nếu NHPH (CMB) giao chứng từ cho người mở L/C khi nhận được sự chấp nhận của người mở L/C, mà không có sự đồng ý trước của người hưởng lợi, thì NHPH đã dại dột vì không giữ chứng từ để chờ sự định đoạt của người xuất trình/người hưởng lợi.”

Còn nhớ khi bài viết đầu tiên bàn về vấn đề xử lý chứng từ bất hợp lệ được đăng trên các tạp chí của Ngành, đã có thêm hai đồng nghiệp nữa tham gia tranh luận về vấn đề này, trong đó một tác giả thì rất hăng hái ủng hộ quan điểm một khi UCP chưa quy định cụ thể thì có thể vận dụng sáng tạo (?), còn tác giả kia thì kiên định với lập trường phải tuân thủ UCP. Người viết rất vui để thông báo cho bạn đọc quan tâm biết rằng UCP 600 sẽ giải quyết vấn đề này một cách linh động. Người thực hành L/C không cần phải “vận dụng sáng tạo” mà chỉ cần tuân thủ theo UCP.

Điều 16 (c) UCP 600 (Chứng từ bất hợp lệ, Chấp nhận và Thông báo) quy định: “Khi NHPH hoặc NHĐCĐ quyết định từ chối thanh toán (honour) hoặc chiết khấu, ngân hàng đó phải gửi một thông báo về việc đó cho người xuất trình. Thông báo phải nêu:
(i) rằng ngân hàng từ chối thanh toán hoặc chiết khấu; và
(ii) từng điểm bất hợp lệ liên quan mà ngân hàng từ chối thanh toán hoặc chiết khấu; và
(iii) a) rằng ngân hàng đang cầm giữ các chứng từ chờ các chỉ thị tiếp theo của người xuất trình;hoặc
b) rằng NHPH đang giữ các chứng từ cho đến khi nhận được thông báo chấp nhận và đồng ý chấp nhận bất hợp lệ, hoặc nhận được các chỉ thị tiếp theo của người xuất trình; hoặc
c) rằng ngân hàng đang gửi trả lại các chứng từ; hoặc
d) rằng ngân hàng đang hành động phù hợp với các chỉ thị trước đây đã nhận được từ người xuất trình”.

Như vậy, với quy định tại Điều 16 (c) UCP 600, NHPH hoặc NHĐCĐ có thể chọn lựa hình thức định đoạt chứng từ thích hợp để thông báo cho người xuất trình. Chẳng hạn, nếu NHPH hoặc NHĐCĐ muốn giao chứng từ bất hợp lệ cho người mở L/C khi nhận được thông báo chấp nhận và đồng ý chấp nhận bất hợp lệ của người mở L/C thì trong thông báo từ chối, ngân hàng đó phải nêu nội dung quy định điểm (iii) (b) nêu trên.

Điều 16 UCP 600 cũng nằm trong số 27 Điều “miễn bàn thêm”, do vậy, chắc chắn nội dung quy định trên đây xem như sẽ không thay đổi trong Bản thảo cuối cùng. Chúng ta có quyền hi vọng rằng vấn đề xử lý chứng từ bất hợp lệ gây nhiều tranh cãi bấy lâu nay sẽ chấm dứt khi UCP 600 chính thức có hiệu lực.

Quyền được nhận hoàn trả của ngân hàng được chỉ định khi chiết khấu cam kết trả chậm (Reimbursement Rights of a “Discounting” Nominated Bank)

Trong các bài viết đã đăng trên Tạp chí Ngân hàng như “Phân biệt thư tín dụng chấp nhận và thư tín dụng trả chậm”, “UCP 500 và các phán quyết của toà án” và rải rác trong một số bài viết khác trên Thông tin Vietcombank, người viết đã có dịp đề cập đến vấn đề chiết khấu cam kết trả chậm (discounting a deferred payment undertaking), trong đó đã dẫn chứng một số vụ tranh chấp kinh điển liên quan việc chiết khấu cam kết trả chậm như vụ Banco Santander và Banque Paribas hay vụ Industrial Bank of Korea và BNP Paribas.
Về diễn biến vụ Banco Santander, có thể tóm tắt như sau: Khi nhận được chứng từ phù hợp với L/C trả chậm (deferred payment L/C) được phát hành bởi Banque Parisbas, Banco Santander với tư cách là ngân hàng xác nhận (NHXN – NHĐCĐ) đã phát hành cam kết trả tiền cho người hưởng lợi khi đáo hạn, đồng thời thực hiện chiết khấu cam kết trả chậm của chính mình, tức là trả tiền cho người thụ hưởng trước khi đáo hạn. Chứng từ sau đó được gửi đến Banque Paribas. Tuy nhiên, Banque Paribas phát hiện một trong những chứng từ là giả mạo và thông báo ngay lập tức cho Banco Santander về vấn đề này và từ chối hoàn trả tiền cho Banco Santander (cho dù Điều 15 UCP 500 quy định ngân hàng được miễn trách đối với sự giả mạo hoặc hiệu lực pháp lý của các chứng từ).

Vụ tranh chấp được xử bởi Toà án Thương mại rồi được phúc thẩm bởi Toà Phúc thẩm nước Anh nhưng kết quả vẫn y án: Banco Santander thua kiện, tức là không nhận được tiền hoàn trả của Banque Paribas. Toà án nước Anh lập luận rằng với L/C trả chậm không có hối phiếu, Banque Parisbas chỉ uỷ quyền cho Banco Santander cam kết trả tiền có kỳ hạn khi chứng từ xuất trình phù hợp với L/C trả chậm và thực hiện trả tiền khi đáo hạn chứ không uỷ quyền cho Banco Santander chiết khấu cam kết trả chậm của mình.

Quyết định của toà án nước Anh ngay lập tức đã trở thành một chủ đề thu hút nhiều chuyên gia quốc tế tham gia tranh luận kéo dài nhiều năm và người ta vẫn trông đợi UCP 600 sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào.
Điều 7 (a)(vi) UCP 600 quy định “Việc hoàn trả số tiền trên chứng từ được xuất trình theo L/C chấp nhận hoặc L/C trả chậm sẽ được thực hiện khi đáo hạn, cho dù NHĐCĐ đã trả trước hoặc mua lại trước khi đáo hạn hay không. Cam kết của NHPH về việc hoàn trả cho NHĐCĐ độc lập với cam kết của NHPH đối với người thụ hưởng”.

Điều 12 (b) UCP 600 quy định: “Sự chỉ định bởi NHPH cho NHĐCĐ chấp nhận hối phiếu hoặc cam kết trả chậm bao gồm cả sự uỷ quyền cho NHĐCĐ được thực hiện trả trước hoặc mua lai hối phiếu đã được chấp nhận hoặc cam kết trả chậm của NHĐCĐ.”

Quy định tại Điều 7 và Điều 12 UCP 600 đã xác lập rõ những quyền độc lập của các NHĐCĐ; sự chỉ định của NHPH về việc chấp nhận hối phiếu hoặc cam kết trả chậm sẽ bao gồm cả sự uỷ quyền cho NHĐCĐ được thực hiện trả trước hoặc mua lại những nghĩa vụ trả tiền của chính họ; và quyền được nhận tiền hoàn trả của họ không bị ảnh hưởng bởi những hành động trả trước hay mua lại hối phiếu đã được chấp nhận hoặc cam kết trả tiền của chính họ.

Thật tiếc cho Banco Santander! Nếu như UCP 600 có hiệu lực sớm hơn thì có lẽ toà án nước Anh sẽ có một phán quyết hoàn ngược lại. Nhưng cũng có thể nói lại rằng nếu như không có vụ Banco Santander thì chưa chắc UCP 600 có Điều 7 và Điều 12 như hiện nay.

NHPH phải hoàn trả nếu chứng từ phù hợp bị thất lạc trên đường đi (Issuing Bank must reimburse if conforming documents have been lost in transit)

Trong bài “Vận đơn theo lệnh: một số vấn đề cần lưu ý” đăng trên Tạp chí Ngân hàng, người viết có nêu trường hợp chứng từ thất lạc trên đường đi xảy ra tại VCB Đà Nẵng vào năm 1996.

Diễn biến sự việc có thể tóm tắt như sau: VCB Đà Nẵng chiết khấu bộ chứng từ bao gồm 3/3 vận đơn gốc lập theo lệnh ký hậu để trống và gửi toàn bộ chứng từ một lần bằng chuyển phát nhanh TNT đến NHPH là Bank of Tokyo (BOT). Tuy nhiên, bộ chứng từ bị TNT làm thất lạc. BOT đã bảo lãnh nhận hàng nhưng chỉ đồng ý trả tiền khi nhận được chứng từ.

Vào thời điểm năm 1996 tài liệu về thanh toán quốc tế ở chi nhánh rất hiếm nhưng may thay người viết tình cờ tham khảo được ý kiến của UBNH ICC về vấn đề này (Opinions of the ICC Banking Commission – Queries and Response on UCP 400), theo đó UBNH ICC kết luận rằng trong trường hợp chứng từ thất lạc trên đường đi, NHPH vẫn phải có nghĩa vụ trả tiền cho người hưởng lợi như trong trường hợp chứng từ đến đúng hạn. Tuy vậy, phải mất hơn hai tháng thư đi tin lại với nhiều tài liệu được gửi kèm theo, BOT mới hoàn trả tiền.
Ý kiến nêu trên của UBNH ICC bây giờ mới được đưa vào UCP 600. Điều 35 UCP 600 (Sự miễn trách đối với việc chuyển giao chứng từ và dịch) ngoài việc giữ lại những nội dung quy định tại Điều 16 UCP 500 còn bổ sung thêm hai nội dung mới, trong đó có nội dung sau:

“… Khi những yêu cầu quy định trong L/C được tuân thủ và NHĐCĐ đã thanh toán hoặc chiết khấu thì NHPH hoặc NHXN phải hoàn trả, ngay cả trong trường hợp chứng từ bị thất lạc trên đường đi giữa NHĐCĐ và NHPH hoặc NHXN, hoặc giữa NHXN và NHPH.”

Lẽ ra VCB Đà Nẵng không phải mất nhiều thời gian trong việc yêu cầu BOT hoàn trả nếu như nội dung trên này được quy định trong UCP 500.

Kết luận

Như đã nêu ở phần mở đầu, trong khuôn khổ bài viết này, người viết không cố gắng giới thiệu tất cả những điểm mới của UCP 600 mà chỉ xới lại một số vấn đề còn để ngỏ dưới giác độ của Dự thảo UCP 600 với mong muốn được chia sẻ với các bạn đồng nghiệp và bạn đọc quan tâm một số điểm mới trong số hơn 40 điểm mới của UCP 600.

27 trong số 39 Điều của UCP 600 xem như đã được thông qua vì UBNH ICC quyết định sẽ không yêu cầu các UBQG tham gia ý kiến thêm về những điều này nữa. Tuy nhiên, 12 Điều còn lại, bao gồm một số Điều được đề cập trong bài viết này, sẽ được các UBQG tiếp tục cho ý kiến. Từ đây cho đến khi bản thảo cuối cùng được UBNH ICC biểu quyết thông qua (10/2006), không ai dám chắc rằng UCP 600 vẫn sẽ được giữ nguyên hiện trạng như hiện nay bởi biết đâu những vấn đề bất ngờ lại có thể phát sinh vào giờ chót. Tuy nhiên, người viết vẫn hi vọng rằng khi bản thảo cuối cùng được thông qua, những Điều liên quan đến một số vấn đề được đề cập trên đây vẫn sẽ được giữ nguyên như trong Dự thảo mới nhất này.

Cuối cùng, nếu các bạn đồng nghiệp và ban đọc quan tâm có nhu cầu, có thể liên hệ với người viết qua email: nhduc.dng@vietcombank.com.vn để có được những slide tóm tắt đầy đủ những điểm mới của UCP 600 cũng như sở hữu bản Dự thảo UCP 600 mới nhất.

Nguyễn Hữu Đúc …

Load More Related Articles
Load More By Mr Old Man
Load More In Uncategorized

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Check Also

SBLC SCAM

QUESTION Dear Duc Nguyen Huu Sincere greetings, I have a confusing question. Since I am an…